Phong trào “Nông dân thi đua SXKDG đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được triển khai sâu rộng và hiệu quả trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, đoàn thể và tinh thần hăng hái thi đua của các tầng lớp nông dân, phong trào đã tạo nên một khí thế sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ.
Nổi bật là sự chuyển đổi tích cực trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thu nhập của người nông dân được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Theo số liệu thống kê năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh Tuyên Quang đạt 42,3 triệu đồng/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,27%, thể hiện hiệu quả rõ rệt trong công tác giảm nghèo bền vững. Các cấp hội trong tỉnh vận động trên 70.000 hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu SXKDG các cấp năm 2023. Trong đó, có 02 nông dân đạt danh hiệu "Nông dân xuất sắc", 01 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh. Các hoạt động tương trợ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn được các cấp hội triển khai thực hiện: Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế (điển hình như: Hộ kinh doanh giỏi ông Phạm Đình Huỳnh, thị trấn Yên Sơn; ông Trịnh Văn Lực, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn; ông Nguyễn Văn Bách, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên; ông Hoàng Văn Tác, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương; ông Dương Văn Doanh, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá.
Cùng với tổ chức phong trào, các cấp Hội còn tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân và hộ SXKDG tham gia tương trợ giúp đỡ hội viên nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên và việc làm theo mùa vụ hoặc từng khâu công việc; giúp đỡ vốn, giống cây, con, ngày công, trong năm có trên 35.000 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu SXKDG các cấp, các hộ SXKDG hỗ trợ các hộ khó khăn trên 19.000 ngày công lao động, con giống, vật tư, phân bón, máy nông nghiệp trị giá trên 1,1 tỷ đồng; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho trên 22.600 người, xây dựng 520 mô hình phát triển sản xuất… tổng giá trị 14,6 tỷ đồng, giúp thoát nghèo cho 415 hộ nông dân nghèo.
Bên cạnh những thành tựu đó, một số điển hình tiêu biểu trong phong trào cũng cần được nhắc đến như: Ông Phạm Đình Huỳnh, tổ dân phố Tứ Quận, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) là tấm gương làm kinh tế giỏi được nhiều người ở địa phương biết đến. Mô hình sản xuất, kinh doanh chè và chế biến gỗ, sản xuất da giày của ông Huỳnh doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động. Anh Hoàng Văn Tác, thôn Hải Mô, xã Đại Phú (Sơn Dương) đã xây dựng trang trại tổng hợp VACR, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo việc làm ổn định cho 17 lao động và giúp đỡ 7 hộ khó khăn về vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất kinh doanh.
Các cấp Hội làm tốt công tác xây dựng, tăng trưởng nguồn vốn vận động ủng hộ 418,6 triệu đồng Quỹ “Mái ấm nông dân”, thực hiện hỗ trợ 10 hộ hội viên nông dân nghèo xóa nhà tạm...
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Thông qua phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Qua đó, vận động hội viên, nông dân ủng hộ trên 4,6 tỷ đồng, đóng góp trên 27.800 công lao động sửa chữa 62 km kênh mương, 29 km đường giao thông; bê tông hoá 4 km đường giao thông, 1,5 km đường nội đồng, kiên cố hóa 1,7 km kênh mương, sửa chữa làm mới 10 nhà văn hóa thôn, 01 cầu giao thông liên thôn; vận động nhân dân hiến trên 14.800 m2 đất, lắp đặt 70 cột đèn cao áp tại các đường ở thôn, bản.
Cùng với đó, phong trào còn góp phần chung tay bảo vệ môi trường với 1.817 hội viên nông dân được tập huấn, hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn, 747 hầm bể Biogas, bể tự hoại được nông dân lắp đặt và đưa vào sử dụng. Vận động hỗ trợ 11.913 ngày công trị giá 2,38 tỷ đồng, ủng hộ vật liệu và tiền mặt trị giá 508,9 triệu đồng góp phần giúp đỡ làm mới 485 nhà, sửa chữa 93 nhà.
Để phong trào thi đua lan tỏa nhân rộng
Phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, quỹ hỗ trợ nông dân, các nguồn lực khai thác khác, hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, tạo tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái để phát triển phong trào. Đồng thời, vận động nông dân liên kết với nhau để nâng quy mô sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân. Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.
Có thể nói, Phong trào “Nông dân thi đua SXKHG đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại Tuyên Quang là một điển hình sáng để các địa phương khác học tập, nhân rộng. Đây là một phong trào mang ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào sẽ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người nông dân, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội nông thôn mới văn minh, giàu đẹp.
Cổng TTĐT tỉnh